Soạn Văn lớp 10 Bộ kết nối tri thức với cuộc sống | Văn bản 4: Tản Viên từ Phán sự lục (Bài 1: Sức hấp dẫn của truyện kể)

Ngày 16/09/2022 15:46:38, lượt xem: 1517

Bài 1:  SỨC HẤP DẪN CỦA TRUYỆN KỂ

Văn bản 4:  Tản Viên từ Phán sự lục (Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên) - Nguyễn Dữ

 

 

Câu 1. Xác định người kể chuyện trong Chuyện chức Phán sự đền Tản Viên. Những lời kể nào giúp bạn có được sự hình dung ban đầu về tính cách của nhân vật Tử Văn?

Trả lời:

- Người kể chuyện đại diện cho tác giả để kể lại câu chuyện. Người kể chuyện xuất hiện ở ngôi thứ 3 (ẩn sau câu chuyện) → là người kể chuyện “toàn tri”.

- Những lời kể giúp chúng ta có được sự hình dung ban đầu về tính cách của nhân vật Ngô Tử Văn: “Tên là Soạn quê ở huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta thường khen là một người cương trực”.

Câu 2. Nêu các sự kiện chính của câu chuyện. Các sự kiện đó được trình bày theo trình tự nào?

Trả lời:

- Sự kiện chính của câu chuyện:

+ Tử Văn đốt đền tên tướng giặc họ Thôi.

+ Tử Văn mộng thấy hồn ma tên tướng giặc đến đòi dựng trả đền.

+ Thổ công đến cho biết sự thật, dặn và chỉ dẫn chàng cách chống lại.

+ Tử Văn bị bắt xuống âm phủ, thắng kiện tên tướng giặc gian xảo. 

+ Tử Văn không bệnh mà mất, được cử làm chức Phán sự đền Tản Viên.

=> Chuỗi sự kiện và cách trình bày cốt truyện theo trật tự thời gian và theo quan hệ nhân quả. 

Câu 3. Tóm tắt diễn biến câu chuyện xử án. Chỉ ra các yếu tố góp phần làm nên chiến thắng của Tử Văn trong phiên tòa. Theo bạn, yếu tố nào đóng vai trò quyết định trong chiến thắng đó?

Trả lời:

- Diễn biến câu chuyện xử án: Diêm Vương quát Tử Văn “Kẻ kia là một cư sĩ, trung thần lẫm liệt, có công với tiên triều, nên Hoàng Thiên cho được hưởng cúng tế ở một ngôi đền để đền công khó nhọc. Mày là một kẻ hàn sĩ sao dám hỗn láo, tội ác tự mình làm ra, còn trốn đi đằng nào? Tử Văn tâu trình như lời thổ công đã nói, lời rất cứng cỏi không chịu nhún nhường. Hồn tên tướng giặc lại ra vẻ khoan dung đối với Tử Văn trước Diêm Vương. Nhưng Tử Văn không bỏ cuộc vẫn cứng cỏi khẳng định nếu không như lời mình nói thì chịu thêm tội nói càn. Diêm Vương lúc này sinh nghi bèn cho người đi điều tra lấy chứng thực. Cuối cùng kết quả như lời Tử Văn nói. Diêm Vương đã cho nhốt hồn ma tên tướng giặc và ngục Cửu U và ban thưởng cho Ngô Tử Văn.

- Theo dõi diễn tiến cuộc xử án thì chúng ta thấy rằng, để giành được chiến thắng Tử Văn đã nhận được sự giúp đỡ từ câu chuyện của Thổ công, từ sự hoài nghi của Diêm Vương để cho người đi điều tra chứng thực. Nhưng yếu tố quan trọng nhất chính là sự cứng cỏi, tin vào lẽ phải, chiến đấu vì lẽ phải cũng như không hề run sợ trước những kẻ giảo hoạt như hồn ma tên tướng giặc.

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VĂN BẢN 1,2,3: TRUYỆN VỀ CÁC VỊ THẦN SÁNG TẠO THẾ GIỚI (BÀI 1: SỨC HẤP DẪN CỦA TRUYỆN KỂ)

 

Câu 4. Nhân vật Tử Văn được khắc họa chủ yếu qua những chi tiết nào? Chọn phân tích một số chi tiết tiêu biểu, từ đó, nhận xét khái quát về tính cách nhân vật này.

Trả lời:

- Lời giới thiệu về nhân vật ở đầu truyện: “Tên là Soạn quê ở huyện Yên Dũng đất Lạng Giang. Chàng vốn khảng khái, nóng nảy, thấy sự tà gian thì không thể chịu được, vùng Bắc người ta thường khen là một người cương trực”.

- Trong hành động đốt đền: “Tử Văn tức giận, một hôm tắm gội sạch sẽ, khấn trời, rồi châm lửa đốt đền. Mọi người đều lắc đầu lè lưỡi, lo sợ thay cho Tử Văn, nhưng chàng vẫn vung tay không cần gì cả.”

- Trong lời nói với Thổ công: “Việc xảy ra đến như thế, sao ngài không kiện ở Diêm Vương và tâu lên Thượng Đế, lại khinh bỏ chức vị, làm một người áo vải nhà quê? ”

- Trong cuộc đối chất ở Minh ti Tử văn đã có những lời nói: “Ngô Soạn này là một kẻ sĩ ngay thẳng ở trần gian, có tội lỗi gì xin bảo cho, không nên bắt phải chết một cách oan uổng”, “Tử Văn tâu trình...Lời cứng cỏi không chịu nhún nhường”.

Câu 5. Sáng tạo chi tiết người đi đường gặp Tử Văn ngồi trên “xe quan Phán sự” và việc người đời sau truyền nhau về “nhà quan Phán sự”, tác giả muốn nhấn mạnh điều gì?

Trả lời:

Khi sáng tạo ra chi tiết người đi đường gặp Tử Văn ngồi trên “Xe quan phán sự” và việc người đời truyền nhau về “nhà quan phán sự” tác giả nhằm bất tử hóa cái chết của Ngô Tử Văn. Ngô Tử Văn mặc dù đã chết nhưng trong một cuộc sống khác Ngô Tử Văn vẫn đang tiếp tục công việc của mình đó là đi tìm chính nghĩa, đem đến chính nghĩa trong cuộc sống này. Một niềm tin về công lý và chính nghĩa được gieo rắc, đó như là động lực để mỗi người trong chúng ta dám thẳng thắn đứng lên chống lại những việc làm, những hành động sai trái.

Câu 6. Thế giới thần linh, ma quỷ trong truyện là sản phẩm hư cấu nghệ thuật của Nguyễn Dữ. Khám phá thế giới đó, bạn hiểu thêm được điều gì về chủ đề của tác phẩm?

Trả lời:

- Thần linh: “Sao mà nhiều thần quá vậy”: Thổ công bị đánh đuổi khỏi nơi mình được thờ tự, cúng tế thì “đành tạm ẩn nhẫn mà ngồi xó một nơi”, ngồi nhìn kẻ gian tặc làm hạn dân lành; các đền miếu xung quanh thì “tham của đút, đều bênh vực cho nó cả”. Thậm chí đến cả Diêm Vương cũng suýt bị lừa vì nghe lời dối trá, chưa hỏi Tử Văn câu nào đã tuyên án: “Tội sâu ác nặng, không được dự vào hàng khoan giảm”...

- Ma quỷ: gian xảo, nanh ác, lộng hành, đe dọa, bức hại dân lành, gây đảo điên luật lệ: hồn ma tướng giặc họ Thôi cướp trắng đền miếu, làm điều thảm ngược, bưng bít sự thật, dối lừa Diêm Vương.

=> Hiểu thêm chủ đề của tác phẩm:

- Phản ánh xã hội nhức nhối, bất công, sự lộng hành của cái ác, cái xấu, kẻ ác đội lốt người hiền, người tử tế mất chốn nương thân, quan lại dối trá, ăn của đút, càn bậy, dung túng cho cái ác.

- Thể hiện niềm tin, khát vọng công lí của con người.

Câu 7. Nêu quan điểm của kẻ sĩ được thể hiện trong lời bình cuối truyện. Bạn có đồng tình với quan niệm đó không? Vì sao?

Trả lời:

- Theo tác giả, con người sống trên đời không sợ “cứng quá thì gãy mà chỉ sợ không thể cứng được”. Ngô Tử Văn, một kẻ sĩ nước Việt, đã luôn giữ cho mình sự cứng cỏi để vượt qua mọi thế lực phi nghĩa. Nguyễn Dữ rất đề cao sự cứng cỏi trong nhân cách kẻ sĩ. Con người chân chính không nên uốn mình, phải sống cương trực, ngay thẳng. Sự cứng cỏi, lòng can đảm trước những cái xấu, cái ác là thái độ ứng xử tích cực cần được coi trọng.

- Em đồng tình với quan điểm mà tác giả Nguyễn Dữ đưa ra bởi vì trong xã hội hiện đại ngày nay với biết bao xô bồ, lừa lọc, gian trá thì sự cứng cỏi, cương trực giúp ta vững vàng, hiên ngang trước cuộc đời. Và chính nó cũng sẽ giữ lại cho ta một tâm hồn trong sáng tựa những thanh âm trong trẻo giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn và xô bồ.

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan